Kỳ 4: Kỹ Năng Kỹ Thuật Trên Đất Nước Mặt Trời Mọc
Mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật đã được đề cập trong luật Thực tập kỹ năng của Nhật Bản, một cơ sở quan trọng để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với các quốc gia Châu Á nhằm triển khai chương trình Thực tập kỹ năng.
Năm 2017, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra định nghĩa chính thức chuyển giao kỹ năng kỹ thuật là việc Người lao động nhập cư nhận được đào tạo về kỹ năng kỹ thuật (technical skills), kỹ thuật (techniques) và kiến thức (knowledge) gọi tắt là kỹ năng kỹ thuật để sau khi về nước những người này sẽ là nguồn nhân lực có trình độ cao trong ngành nghề được đào tạo.
Nhưng trên thực tế, những người ra đi có thật sự sẽ được đào tạo trình độ cao như đã tuyên bố không? Năm 2023, đại diện Nhật Bản đã thừa nhận chương trình Thực tập kỹ năng vẫn chưa đạt được mục tiêu này trọn vẹn và đề xuất những hướng cải tiến.
Thời gian để Việt Nam nghiêm túc đón nhận kỹ năng kỹ thuật có vẻ như không còn nhiều khi giai đoạn dân số vàng chỉ kéo dài khoảng từ 15 đến 20 năm nữa. Trong khi đó, khái niệm về những điều người trẻ cần đón nhận khi qua Nhật Bản học tập và làm việc vẫn còn khá mơ hồ.
Chuyển giao kỹ năng kỹ thuật nên được hiểu như thế nào?
Theo Mori Kazuo, một chuyên gia nghiên cứu của Nhật Bản, thuật ngữ “kỹ năng kỹ thuật” bao hàm cả yếu tố bên trong và bên ngoài con người nên sẽ phụ thuộc nhiều vào đặc điểm sẵn có và khả năng tiếp nhận của người lao động khi tham gia chương trình thực tập kỹ năng.
Cùng một thuật ngữ nhưng trong văn bản MOC giữa Việt Nam và Nhật Bản, những từ ngữ này đã xuất hiện hai lần với hai ý nghĩa khác nhau. Thứ nhất, kỹ năng kỹ thuật được nhìn nhận như một loại kỹ năng gắn liền với yếu tố con người và được quyết định bởi đặc điểm đặc thù của công việc mà người lao động tham gia đào tạo. Thứ hai, kỹ năng kỹ thuật bao hàm 3 yếu tố gồm kỹ năng kỹ thuật đã đề cập bên trên, kỹ thuật lõi và kiến thức chuyên môn. Như vậy, điều mà Nhật Bản hứa hẹn sẽ đem lại cho nguồn nhân lực nhập cư từ nước ngoài khá phức tạp và bao hàm nhiều yếu tố, lệ thuộc lớn vào mối tương quan giữa kỹ năng với kỹ thuật được quyết định bởi bản chất công việc, ngành nghề sản xuất mà người lao động lựa chọn tham gia trong chương trình.
Định nghĩa kỹ năng kỹ thuật theo luật thực tập kỹ năng Nhật Bản
Nguồn: Dương Văn Bình (2023)
Đề cập đến mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật, bà B.T.T, Giám đốc chi nhánh công ty xuất khẩu lao động H, nhấn mạnh rằng “Cả bên tiếp nhận và bên phái cử đều xem chương trình này như việc giải quyết cung cầu lao động hai bên. Nếu nói không có sự chuyển giao kỹ năng kỹ thuật qua chương trình là không đúng, nhưng nếu có cũng rất hạn hữu vì ở phía tiếp nhận của Nhật Bản đều là công ty vừa và nhỏ có quy mô dưới 50 người nên khi tiếp nhận thực tập sinh đều trên phương diện sử dụng lao động thông thường. Mặc dù, có quy định kế hoạch đào tạo nhưng thực tế chỉ về mặt giấy tờ, hầu hết không đào tạo theo kế hoạch đề ra. Về phía Việt Nam, thực trạng lao động tay nghề không có hoặc yếu, cùng với khả năng ngoại ngữ kém nên chỉ đáp ứng được những công việc mang tính chất giản đơn khi sang Nhật”.
Lao động trẻ nhận được gì từ chương trình?
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt (Tâm Việt Group), cho thấy trước khi tham gia chương trình thực tập kỹ năng, đa số thực tập sinh (59,31%) có mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, sau khi tham gia chương trình, tỷ lệ đa số tăng lên 68.42% với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Rõ ràng nếu tính toán cả mức độ lạm phát vào mức lương thì một chương trình như thực tập kỹ năng vẫn có tác dụng giúp người lao động cải thiện thu nhập không chỉ trong thời gian ở Nhật Bản mà ngay cả sau khi quay về nước. Việc có khả năng giao tiếp tiếng Nhật cũng là một lợi thế của thực tập sinh trên thị trường lao động trong nước.
Sự chuyển dịch mức lương trước và sau khi đi Nhật
Nguồn: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt
Tuy nhiên, thu nhập tăng ở mức độ vừa phải như trên chưa thể nói lên được kết quả cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trước và sau chương trình. Phương thức để chứng minh có hay không việc chuyển giao kỹ năng kỹ thuật khi tham gia chương trình thực tập kỹ năng là không dễ dàng. Theo đề xuất ban đầu ở phía Nhật Bản, việc đánh giá định lượng kết quả chương trình căn cứ trên số lượng thực tập sinh quay về nước tiếp tục công tác trong ngành nghề họ đã làm ở Nhật Bản. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt cho thấy chỉ có 15% thực tập sinh sau khi quay về nước tiếp tục làm trong lĩnh vực họ đã làm trước đó. Ngành Hàn và May chiếm tỷ lệ cao nhất. Đây là con số quá khiêm tốn so với mức kì vọng ban đầu.
Tỷ lệ chuyển đổi công việc trước khi đi Nhật và sau khi về nước
Nguồn: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt
Như vậy, chỉ đánh giá qua kết quả sơ lược ban đầu về số lượng thực tập sinh tiếp tục theo đuổi ngành nghề họ đã làm trước đó thì cũng đủ chứng minh chương trình chưa thành công trong việc đạt mục tiêu chuyển giao kỹ năng kỹ thuật. Ngày 29/07/2022, ông Furukawa Shihisa, bộ trưởng Tư Pháp Nhật Bản đã phát biểu: “Tôi nhận thức rõ lý thuyết và thực tiễn của chương trình đang bị vênh nhau quá xa, về mặt lý thuyết là đào tạo nguồn nhân lực cho các quốc gia đang phát triển, nhưng thực tiễn nó lại bị tận dụng cho việc bổ sung sự thiếu hụt nguồn lao động trong nước”.
Thực tập sinh học gì ở đất nước mặt trời mọc?
Dù gây nhiều tranh cãi và các nghi ngờ xung quanh việc có đạt được mục tiêu tốt đẹp như đã tuyên bố, chương trình thực tập kỹ năng đã tồn tại được 30 năm, thu hút hơn 1 triệu thực tập sinh tham gia. Việc một chương trình kéo dài và nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng cho thấy lợi ích của nó đem lại cho các bên là không nhỏ. Rất có thể ở góc độ cá nhân các bạn trẻ sẽ có những mục tiêu khác hơn khi quyết định ra đi đến làm việc tại xứ người, mục tiêu đó có thể là thu nhập, thay đổi môi trường hoặc đơn giản chỉ là muốn mở ra cho mình cơ hội trải nghiệm độc đáo ghi dấu lại thanh xuân.
Ông N.V.A, làm việc tại cục Quản lý lao động ngoài nước, đã thành thật chia sẻ: “Không phủ nhận được những mặt hoàn hảo và chuẩn chỉnh của đất nước Nhật Bản, nhưng ở khía cạnh chương trình dành cho thực tập sinh và những cải tiến sau đó, tôi nhận thấy chính phủ Nhật rất thông minh trong cách sử dụng nguồn lao động nước ngoài để phát triển quốc gia họ. Thử hỏi nếu đặt ngược vấn đề, có phải Việt Nam chúng ta đang dồn tâm sức để nuôi lớn một lớp thế hệ đến 18 tuổi, ở độ tuổi lao động họ lại qua Nhật, bán hết “thanh xuân” cho sự phát triển của Nhật Bản, không chỉ dừng lại ở 3 năm, 5 năm, 10 năm mà rất có thể sẽ là định cư, vậy còn đâu đường về mà chuyển giao kỹ năng kỹ thuật?”
Như vậy, việc học kỹ năng kỹ thuật của người trẻ Việt Nam khi đặt chân tới Nhật Bản có lẽ không nên đóng khung cứng nhắc trong các bức tường công việc hay lớp học, vì sự học cần được diễn ra một cách tự nhiên và cầu thị nhất. Vấn đề mấu chốt quan trọng là sự chuẩn bị hành trang trước khi lên đường cần giúp cho các bạn trẻ có được hệ tư duy và tâm thế cân bằng để thích ứng và đủ tinh tế nhận ra những điều cần học nơi xứ người. Khi suy nghĩ và sự trưởng thành của lao động đủ chín muồi, họ sẽ thấy mình cần có trách nhiệm quay trở về xây dựng quê hương đất nước.